Phụ nữ trên tuổi 45 cần đề phòng viêm thoái hóa khớp
Nếu buổi sáng thức dậy hay mỗi lần đứng lên ngồi xuống, bạn thấy đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương, cứng khớp, có tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp gối, càng vận động càng đau nhiều…thì nên nghĩ đến viêm thoái hóa khớp. Bệnh tuy không gây tử vong như cao huyết áp, tiểu đường nhưng rất mất thời gian và tiền bạc do phải thay khớp nếu bạn không phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân chủ yếu là phụ nữ
Theo Thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y, càng về già, chức năng cũng như cấu tạo của khớp càng có nhiều thay đổi, trở nên kém linh động: Tế bào khớp thoái hóa, gân và dây chằng phân đoạn, đóng vôi, khô cằn, trở nên kém bền bỉ, kém co giãn, không chịu đựng được với căng lực và dễ bị tổn thương; sụn trở nên đục mầu, hóa xơ, khô nước, rạn nứt với nhiều tinh thể calcium làm khớp đau. Khớp co duỗi khó khăn vì màng hoạt dịch mỏng khô dần. Khi bị viêm, xương khớp có nhiều thay đổi như sự hóa xơ và gồ ghề của sụn, khả năng chất đệm kém đi, đầu xương mọc gai, xương giảm khối lượng. Có lẽ, sự bào mòn của thời gian, sự thoái hóa do là nguyên nhân chính. Vì thế, những khớp chịu sức nặng của cơ thể như xương sống vùng thắt lưng, hông, đầu gối thường hay bị bệnh. Sự thoái hóa này diễn ra từ từ trong khoảng thời gian khá lâu và trở nên rõ ràng khi về già.
Tuy vậy, viêm thoái hóa khớp không phải là bệnh của riêng người lớn tuổi. Nó có thể phát triển từ những tháng đầu tiên của cuộc đời. Khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh. Sau tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới. Thoái hóa khớp hay tấn công phụ nữ trẻ sau thời kỳ mang thai và sinh nở, gây các cơn đau đớn.
Viêm thoái hóa khớp ở người cao tuổi phần lớn không có nguyên nhân rõ rệt. Các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa bao gồm tuổi tác, tình trạng béo phì, chấn thương nhẹ và mạn tính ở khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lão hóa, chức năng chống đỡ của sụn bị suy giảm và dễ hư hỏng khi khớp cử động. Thêm vào đó, các chấn thương nhẹ nhưng kéo dài nhiều năm do khuân vác đồ nặng cũng làm tăng gánh nặng cho các khớp, khiến sự thoái hóa thêm trầm trọng. Ngoài ra, yếu tố di truyền và di chứng từ các bệnh lý khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Dễ phải thay khớp nhân tạo nếu không điều trị kịp thời
Theo Thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng, thoái hóa khớp thường tiến triển chậm. Vào giai đoạn khởi phát, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức sau một vài động tác nhỏ. Một số trường hợp còn không cảm thấy đau đớn ở giai đoạn này.
Thông thường, bệnh nhân có các biểu hiện đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương và cứng khớp (xảy ra theo định kỳ như khi vừa ngủ dậy hoặc đứng lên), sưng tấy tại một hoặc nhiều khớp, có tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp gối, càng vận động càng đau nhiều. Nếu có cảm giác nóng, đỏ và sưng tại các khớp nghĩa là thoái hóa khớp đi kèm một căn bệnh khác.
Viêm thoái hóa khớp thường xảy ra ở những vị trí sau:
– Ngón tay: Thường do di truyền. Tỷ lệ thoái hóa khớp ngón tay ở phụ nữ cao hơn đàn ông (đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh). Các cục bướu nhỏ, cứng xuất hiện tại điểm cuối của các đốt ngón tay, khiến ngón tay bị to và biến dạng, thô thiển, đi kèm cơn đau.
– Cột sống thắt lưng: Hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa, khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống chân, như có luồng điện chạy từ trên xuống. Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều vào buổi sáng, khi mới ngủ dạy. Cơn đau diễn ra tối đa 30 phút thì giảm. Sau một thời gian, hiện tượng đau lưng sẽ kéo dài cả ngày, tăng lên khi làm việc nhiều nặng và giảm dần lúc nghỉ ngơi.
– Cột sống cổ: Biểu hiện bằng cảm giác đau mỏi ở phía sau gáy, lan đến cánh tay ở bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng.
– Gót chân: Bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót chân vào buổi sáng, lúc bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên. Sau khi đi được vài chục mét, cảm giác đau giảm nhiều, bệnh nhân đi đứng bình thường.
– Khớp gối: Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải níu vào một vật khác để đứng dậy; nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ khớp gối.
– Khớp háng: Người bệnh đi lại khó khăn ngay từ đầu vì khớp háng chịu sức nặng cơ thể nhiều nhất.
Điều trị viêm thoái hóa khớp rất mất thời gian và tiền bạc. Nếu trong giai đoạn đau khớp cấp, bạn có thể phải bó bột một thời gian ngắn để bất động khớp, nhưng sau đó phải nhanh chóng tháo bột để tránh cứng khớp. Ngay sau khi hết đau cấp, phải tập vận động khớp nhẹ nhàng, phù hợp. Trong trường hợp nặng hơn có thể phải phẫu thuật để bảo tồn khi khớp chưa bị hư hỏng nặng hoặc phẫu thuật thay thế trong trường hợp khớp quá hư hỏng, không thể phục hồi được. Lúc này, người bệnh có thể thay thế từng phần, thậm chí thay toàn bộ khớp bằng khớp nhân tạo.
Các bài tập hỗ trợ điều trị viêm thoái hóa khớp
Đi bộ: Trước khi đi bộ, cần làm nóng khớp gối bằng cách gập duỗi gối nhẹ nhàng, tập căng cơ cẳng chân khoảng 5 phút sau đó bắt đầu đi. Mỗi lần đi không nên quá 30 phút, và nếu thấy đau thì phải ngưng ngay không được tập rán. Sau khi đi xong, cũng không nên nghỉ ngơi ngay mà nên vận động nhẹ nhàng như đi tới đi lui chậm khoảng 5 phút. Đi bộ mỗi ngày giúp giảm các cơn đau khớp, phòng ngừa cứng khớp và kích thích tiết nhờn, giúp khớp hoạt động dễ dàng hơn.
Tập dưỡng sinh: Là những bài tập có động tác uyển chuyển giúp duy trì cử động của khớp, giảm cứng khớp, giảm sưng và đau khớp, tăng cường sức mạnh của cơ, giúp chống đỡ và bảo vệ khớp bị viêm. Những bài tập dưỡng sinh như bài “thái cực quyền” sẽ giúp các khớp dẻo dai, linh hoạt, đặc biệt là các khớp cổ chân cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu tay, giúp hỗ trợ chữa trị thoái hóa khớp hiệu quả.
Đi xe đạp: Được xem là một trong những bài tập “vàng” của khớp gối. Thường xuyên đi xe đạp không chỉ giúp tăng sức mạnh cơ, giảm các gánh nặng trên khớp mà còn giúp khớp vận linh hoạt và thoải mái hơn. Khi ngồi lên yên xe, nên điều chỉnh vị trí ngồi sao cho thoải mái nhất. Lưng thẳng, hai chân điều nhau. Nên chọn những chiếc xe đạp có chiều cao vừa phải, tránh tình trạng vớ chân không tới, tăng rủi ro.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/